Cách học từ vựng

Là một người đam mê ngôn ngữ, mình đã thi IELTS đạt 8.0 2 lần vào năm 2018 và 2019, trong bài viết này mình xin phép được giới thiệu cách mình học từ vựng như thế nào. Phương pháp này mình cũng áp dụng trong thời gian mình học tiếng Trung gần đây. Bài viết mang tính chất tham khảo, và mình khuyến khích bạn thay đổi và điều chỉnh PP này sao cho phù hợp nhất với bản thân mình, không nhất thiết phải áp dụng 100% máy móc. Đây là một phương pháp TỐN THỜI GIAN, chỉ nên đọc bài viết này nếu bạn thực sự muốn giỏi tiếng Anh.

Step 1: pronunciation

Trước khi biết nghĩa của một từ, hay cách dùng từ đó như thế nào, mình sẽ tập trung vào phần phát âm trước. Mỗi khi mình học từ mới, mình đều mở từ điển Oxford bên cạnh https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/

Loa màu xanh là British pronunciation, còn loa màu đỏ là American pronunciation. Chú ý đến số lượng âm tiết và dấu nhấn. Trong ví dụ về từ discipline bạn sẽ thấy từ này có 3 âm tiết và dấu nhấn sẽ rơi vào âm 1. Cách chúng ta nhấn âm có thể thay đổi nghĩa của một từ, nên cần hết sức cẩn thận. Lắng nghe âm thanh một vài lần sau đó bắt chước đọc theo. Để biết bạn đọc đúng không sẽ có rất nhiều cách, mình sẽ giới thiệu 2 cách chính sau.

Cách 1

Mở bất kì ứng dụng ghi chú nào trên điện thoại (mình đang sử dụng ứng dụng Notes mặc đình của Iphone), phần ngôn ngữ chọn tiếng Anh, sau đó bấm vào biểu tượng microphone góc phải bên dưới màn hình và bắt đầu phát âm từ đó.

Cách 2

Mở trình duyệt web bất kì và gõ docs.new, bạn đang tạo một file word mới trên google drive của mình.

Ở tab tools, bạn chọn voice typing hoặc bấm tổ hợp Ctrl+Shift+S
Chọn ngôn ngữ là tiếng bạn đang muốn học, và bắt đầu tập đọc.

Step 2: understand the word

Bước thứ hai, chúng ta sẽ tìm hiểu về ý nghĩa cũng như cách sử dụng từ. Từ vựng trong tiếng Anh đa phần sẽ có nhiều lớp nghĩa, nên luôn phải học theo ngữ cảnh, gặp ở ngữ cảnh nào thì học từ vựng trong ngữ cảnh đó thôi, đừng cố gắng mở từ điển lên học hết tất cả lớp nghĩa của nó. Cùng xem ví dụ bên dưới nhé:

Nếu bạn tra từ impact dạng danh từ trên từ điển Oxford bạn sẽ thấy nó có 2 lớp nghĩa. Từ điển sẽ đánh số thứ tự (trong hình các bạn thấy số 1 trước phần giải thích nghĩa của từ), B1 ám chỉ trình độ của người học cần đạt tới để hiểu từ này dựa trên thang CEFR (từ A1-C2). Như bạn thấy đấy, có một lớp nghĩa thôi mà đã quá trời ví dụ, nên đừng cố học tất cả lớp nghĩa của nó vội.

Những cụm từ được in đậm trong ví dụ trên được gọi là collocations, và mình khuyến khích các bạn học chúng thay vì học từ vựng đơn lẻ. Đừng chỉ thuộc từ impact mà hãy học luôn cụm have an impact on. Người học tiếng Anh lâu năm sẽ phát triển một cái sense về ngôn ngữ, khi họ nghe người khác sử dụng một cụm từ gì đó lạ, hoặc thiếu tự nhiên, họ sẽ cảm nhận được. Để phát triển cái sense này mình khuyến khích bạn học sâu, đọc các ví dụ về một từ để hiểu ý nghĩa cũng như nắm được cách sử dụng của nó. Sau đó chọn ra 1-2 cụm collocations bạn thấy thích hoặc liên quan tới cuộc sống mình để học. Trong ví dụ trên, mình sẽ chọn cụm have/make an impact on.

  • Nếu học danh từ, thì xem thử tính từ hoặc động từ nào thường đi trước nó, giới từ nào đứng sau nó.
  • Nếu học động từ và tính từ thì xem thử sau đó chúng ta sử dụng giới từ gì.

Một trang web các bạn có thể dùng để tra cứu collocations là http://ozdic.com/

Để nói và viết tự nhiên nhất có thể, bạn cần tích lũy càng nhiều cụm collocations, đặt câu hỏi cho bản thân mình là người bản xứ sẽ diễn đạt cái này như thế nào thay vì tự sáng tạo ra ngôn ngữ. Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người học ngôn ngữ, dễ dẫn đến tính trạng nói tiếng Anh nhưng tư duy bằng tiếng Việt và dịch ngược qua.

Step 3: make it relevant to your life

Đây là bước chúng ta sẽ tự suy nghĩ và đặt câu riêng cho bản thân mình, càng liên quan tới cuộc sống, công việc và học tập của mình càng tốt. Ví dụ:

  • Her speech made a profound impact on everyone. (Bài nói của cô ấy đã tác động rất lớn tới tất cả mọi người)

Đây là ví dụ mẫu trong từ điển, lúc mình thay đổi mình sẽ thay đổi phần chủ ngữ và tân ngữ, phần collocation bôi đậm mình sẽ không sáng tạo. Mình sẽ tự hỏi bản thân là trước đây có chuyện gì, hay ai đó đã tác động rất lớn tới những lựa chọn trong công việc hay việc học tập của mình không? Mình sẽ sáng tạo theo khuôn khổ như sau:

  • What my teacher said made a profound impact on me. (Những lời giáo viên mình nói đã có tác động rất lớn tới mình.)

Bạn tới được bước này đã rất tốt rồi, nhưng mình tin bạn muốn nhiều hơn thế. Tiếp tục suy nghĩ, kết quả của những lời nói đó là gì hay tại sao những lời giáo viên mình nói lại có tác động lớn tới mình?

  • What my teacher said made a profound impact on me, so I decided to learn English more seriously. (Những lời giáo viên mình nói đã có tác động rất lớn tới mình, nên mình quyết định học tiếng Anh nghiêm túc hơn.)

Học từ vựng đúng cách, bạn sẽ không chỉ nhớ từ để làm bài kiểm tra, mà còn sử dụng được chúng trong quá trình giao tiếp và viết. Từ vựng chính là cốt lõi của việc làm chủ bất kì ngôn ngữ nào, và quá trình thẩm thấu từ vựng là một quá trình tốn thời gian.

Lúc nãy chúng ta có kiểm tra phát âm của từ rồi đúng không, bây giờ bạn thử đọc nguyên cả câu vừa rồi xem điện thoại và máy tính của bạn nhận diện mặt chữ được bao nhiêu %. Bước kiểm tra này sẽ cho bạn sự tự tin khi nói tiếng Anh, mình đã làm chuyện này trong suốt 8 năm qua, và cũng đạt được một xíu thành quả. Khi mình làm video bằng tiếng Anh trên youtube, phần tạo sub tự động của Youtube gần như bắt được toàn bộ những gì mình nói.

Step 4: making connections

Tạo liên kết trong bộ não giữa kiến thức mới và cũ là một trong những cách giúp mình nhớ được từ vựng và kiến thức rất lâu.

Minh họa 1 – tiếng Anh

Cụm từ pull an all-nighter (thức nguyên đêm để học hoặc làm việc), đây là cách mình sẽ liên kết nó với các cụm từ khác mình biết.

Pull an all-nighter → cram for a test→ a passing grade → Otherwise, I’m going to flunk the test # breeze through the tests

Mình sẽ tự kể một câu chuyện như sau: tối qua mình thức nguyên đêm (pull an all-nighter) để học dồn (cram for a test) cho bài thi sáng nay, vì mình học dồn như vậy, nên chỉ đạt kết quả vừa đủ đậu (a passing grade). Tuy nhiên nếu tối qua mà mình không làm vậy, thì có lẽ mình đã rớt bài thi này một cách thảm hại (flunk the test). Mình hứa là sau này sẽ học hành một cách nghiêm túc, ôn tập từ trước để làm bài một cách dễ dàng hơn (breeze through the test)

Mình đang liên kết các cụm từ trên bằng mối quan hệ nhân quả (cause-effect). Việc này giúp mình diễn đạt ý tưởng khi nói và viết lưu loát và mạch lạc hơn.

Một số cách liên kết khác là nhóm từ vựng theo chủ đề, từ đồng nghĩa, cách diễn đạt tương đồng, hoặc từ trái nghĩa.

Minh họa 2 – tiếng Trung

chúfáng từ này nghĩa là nhà bếp. Khi mình học từ này mình sẽ liên kết với lại những từ lân cận, nhà bếp (chúfáng) là nơi mình nấu ăn (zuò fàn), và mình sẽ mở tủ lạnh (bīngxiāng) để lấy nguyên liệu ra nấu ăn. Nấu xong thì mình ăn cơm (chīfàn)

Step 5: revision (active recall + spaced repetition)

Mình ghi chép từ vựng trên Notion sử dụng vocabulary savings account system, đây là một template mình tự thiết kế, nên lúc ôn tập mình sẽ ôn tập trên Notion, và gần đây là thêm qua flashcards của Anki. Bạn có thể đọc cách tạo template này trên Notion tại ĐÂY

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *