Đi bộ lên đỉnh núi thì sao?

Trong việc chinh phục cùng 1 “đỉnh núi”, người có điều kiện, xuất thân gia đình tốt hơn bạn, họ có thể chọn đi “cáp treo” để tới đỉnh 1 cách thuận lợi hơn, nhưng nếu bạn không hề có bất cứ sự thuận lợi nào từ khi bắt đầu thì sao? Thì bạn đâu còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc sử dụng chính đôi chân của mình tự đi lên tới đỉnh núi.

Việc này tất nhiên sẽ vất vả hơn rất nhiều, nhưng trong quá trình này bạn sẽ học được rất nhiều kĩ năng mà có thể những bạn mà họ may mắn được đi “cáp treo” sẽ không có được. Ở cuối hành trình đó, “đôi chân” của bạn đã trở nên rất khỏe và vững chắc để sẵn sàng đưa bạn tới những đỉnh núi khác.

Có 1 câu nói trong 1 bài TED talk mà mình đã nghe được từ rất lâu và rất thích, đại ý là:

We’d like to believe that we become successful despite our adversities, but the truth is we become who we are because of adversities.

Chúng ta hay nghĩ rằng chúng ta trở nên thành công cho dù có vấp phải nghịch cảnh, nhưng sự thật là chính nhờ như nghịch cảnh ấy chúng ta mới trở thành con người hiện tại. Nên mình mong bạn có thể thay đổi góc nhìn về những điều tưởng chừng như là bất lợi như: sinh ra trong 1 gia đình khó khăn, tiếp xúc với ngoại ngữ trễ, không đi học trường quốc tế. Hãy biến chúng thành nhiên liệu đưa bạn đi thật xa.

Mình bắt đầu học TA 1 cách nghiêm túc từ năm 18 tuổi, và khi mình nói “nghiêm túc” ý mình là liên tục học và tiếp xúc với nó trong 10+ năm qua, không nghỉ 1 ngày, bao gồm cả những tháng ngày sinh viên mình nằm ở trong bệnh viên chăm mẹ đang điều trị ung thư. Khi nào mẹ ngủ rồi, thì mình lôi sách ra học. Chủ nhật tuần rồi, thầy Chỉnh, một người thầy có tác động rất lớn tới cuộc sống của mình, có nhắc lại sự kiện này và nói với mình đây là điểm thầy ấn tượng nhất ở mình.

Không biết từ khi nào quá trình “tự đi bộ lên núi” cho tới khi mình đạt 8.5 IELTS đã rèn luyện cho mình sự kỉ luật, kiên trì, nhẫn nại, và tỉ mỉ, học ngoại ngữ không đơn thuần chỉ là học ngoại ngữ, đối với mình nó là quá trình rèn luyện các phẩm chất trên, quá trình hoàn thiện con người, và đây cũng là 1 ý mình có đề cập với mentor của mình.

Mình muốn có 1 ngôi trường dạy về sự kỉ luật, mà ở đó ngôn ngữ hay công nghệ chỉ là phương tiện, đích đến là giúp học trò trở nên kỉ luật hơn và có trách nhiệm với lời nói của bản thân, để họ có thể thiết kế được cuộc sống mà họ mong muốn.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *